Tăng cường chỉ đạo nuôi tôm nước lợ các tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng
Công văn nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm mặc dù kết quả sản xuất đạt và vượt kế hoạch đối với diện tích và sản lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 1,56 tỷ USD. Do ảnh hưởng tác động của đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ucraina vẫn tiếp tục kéo dài đã tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ của các thị trường sụt giảm, giá nhiên liệu không ổn định, giá vật tư, thức ăn thủy sản tăng trong khi giá bán tôm nguyên liệu liên tục giảm từ tháng 4 năm 2023 đến nay làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế và tâm lý người nuôi khi quyết định giảm quy mô hoặc tạm ngưng thả nuôi tôm các tháng cuối năm 2023, dẫn đến khả năng không đảm bảo nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu khi thị trường khôi phục dần vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Trước những yêu cầu và dự báo tình hình trên, do đó để ổn định sản xuất, cung cấp đủ sản lượng cho chế biến và xuất khẩu các tháng cuối năm, Cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung triển khai có hiệu quả 07 nhóm giải pháp trọng tâm, toàn diện sau:
Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo linh hoạt các giải pháp triển khai kế hoạch phát triển ngành tôm nước lợ năm 2023 tại thông báo kết luận số 1626/TB-BNN-VP ngày 23/3/2023; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, phân bổ nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung, kịp thời khuyến cáo người dân chủ động kế hoạch sản xuất, thực hiện các giải pháp kỹ thuật phù hợp để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, không để bùng phát bệnh dịch; tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi nhiều giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm lúa, tôm rừng, tôm hữu cơ, nuôi tôm công nghệ cao... để giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Thứ hai, khuyến cáo người dân ổn định tâm lý, tránh thu hoạch tôm nuôi ồ ạt, duy trì thả nuôi ổn định với mật độ thả nuôi thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích thước tôm thu hoạch, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán từ đó tăng hiệu suất đầu tư.
Thứ ba, chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt tình hình diễn biến giá tôm nguyên liệu, phân tích hiệu quả sản xuất từng cỡ tôm thu hoạch, dự báo diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất; quản lý chặt chẽ trước hiện tượng đại lý thu mua tung tin thất thiệt, ép giá người nuôi.
Thứ tư, tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hoá chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm cung cấp tính dụng qua liên kết chuỗi để triển khai thực hiện; quan tâm phát triển các sản phẩm phù hợp (các phân khúc sản phẩm, đa dạng chủng loại phù hợp với nhu cầu tiêu thụ khác nhau trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu) để thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thứ năm, thực hiện cam kết giữa các bên trong chuỗi sản phẩm thủy sản để chủ động kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tận dụng một cách hiệu quả các chính sách hỗ trợ tài chính của Chính phủ trong sản xuất (Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cam kết thông báo nhu cầu nguyên liệu về khối lượng, chủng loại/size sản phẩm, kế hoạch thu mua và người nuôi trồng thủy sản tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu).
Thứ sáu, thực hiện các biện pháp nhằm tăng sản lượng tôm nuôi, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu.
Đối với các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long, tiếp tục duy trì ổn định diện tích thả nuôi tôm sinh thái, tôm lúa, tôm rừng, tôm quảng canh cải tiến, kết hợp các biện pháp tăng năng suất, sản lượng nuôi ở những khu vực này để phát huy lợi thế sản phẩm tôm sú. Phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở những vùng có đủ điều kiện hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng và kiểm soát tốt các khâu sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật và giám sát người nuôi thực hiện tốt việc cải tạo ao, đầm nuôi đảm bảo thời gian ngắt vụ và mật độ thả nuôi hợp lý;
Các tỉnh miền Trung và miền Bắc tập trung nuôi tôm chân trắng cao triều theo hình thức công nghiệp, thâm canh áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, chủ động sản xuất trong tất cả các khâu, đảm bảo an toàn đối với bão, lũ và biến động môi trường đột ngột.
Thứ bảy, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về các quy định của Luật Thuỷ sản 2017; Nghị định 26/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn; đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn và đơn giản hoá thủ tục hành chính về đăng ký đối tượng nuôi đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng.