Trang chủ / Tin tức / Xuất khẩu thủy sản trông vào nửa cuối năm

Xuất khẩu thủy sản trông vào nửa cuối năm


Sau khi giảm gần 30% trong 5 tháng, xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm kỳ vọng vào tiêu thụ từ Mỹ và sức mua ổn định của EU.

Nửa cuối tháng trước, thương lái thu mua tôm thẻ loại 101-150 con mỗi ký tại ao của ông Văn Thủ (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) với giá 65.000 đồng. Theo tính toán, sau 54 ngày nuôi, vụ tôm thẻ này của anh Thủ chỉ hòa vốn. "Xóm này cũng nhiều hộ nuôi bị lỗ, ai có lời được chút đỉnh là mừng", anh nói.
Tại các địa phương nuôi tôm ở Sóc Trăng và Bạc Liêu, giá tôm thu mua lao dốc hai tháng nay. "Giá tôm giờ bấp bênh quá!", anh Bá Đương - người đã nuôi tôm 20 năm qua ở huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) bình luận. Cuối năm ngoái, giá tôm sú loại 30 con một ký được thương lái thu mua tại sao có lúc đạt 200.000 đồng mỗi ký.
Nhưng giờ, mỗi ngày giá thu mua giảm 2.000-3.000 đồng, còn chưa đầy 120.000 đồng mỗi ký. "Những năm trúng lớn như 2013-2014, nuôi tôm có thể lời 40-50% nhưng giờ mà đạt được 20-30% là rất tốt", anh Đương bình luận.

TS. Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Chủ tịch hội đồng quản trị Fimex, cho biết giá tôm đi xuống liên tục và đáng kể trong hai tháng nay. Đến nay, mức giảm khoảng 40% cho tất cả cỡ tôm.

Bốn tháng đầu năm, xuất khẩu tôm giảm đến 36%, đạt 887 triệu USD, theo Vasep. Theo trung tâm Phân tích và Dự báo thị trường nông sản Agromonitor, giá và khối lượng tôm xuất khẩu bình quân giảm lần lượt 9% và 29% so với cùng kỳ. Lý do bởi nhu cầu yếu cùng với cạnh tranh khốc liệt từ Ecuador và Ấn Độ.

Cùng với tôm, xuất khẩu cá tra giảm lần lượt 23% về khối lượng và 34% về kim ngạch trong quý đầu năm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trong ngành.

Công ty chứng khoán VNDirect ước tính tổng doanh thu quý I của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết giảm 32% so với cùng kỳ 2022, do giá bán trung bình và sản lượng xuất khẩu giảm mạnh. Biên lợi nhuận gộp ngành thu hẹp 5,1 điểm % trong khi chi phí sản xuất tiếp tục neo cao. Kết quả, tổng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp giảm 74% so với cùng kỳ.

Tại huyện Vĩnh Lợi, anh Đương cho hay sức mua của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn yếu. Đầu ra chủ yếu là thương lái thu mua hàng "tôm oxy" (tôm sống sục oxy để vận chuyển đến người mua) để bán nội địa. "Nhưng nhu cầu cũng ít nên họ lựa rất kỹ chứ không vào ao là gom hết như thời hút hàng", anh kể.

Đánh giá triển vọng nửa cuối năm, VNDirect dự báo thị trường Mỹ sẽ phục hồi tích cực nhờ 3 lý do gồm: lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm và nhu cầu cao dịp lễ cuối năm. Điều này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tăng 40-50% trong nửa cuối năm so với nưa đầu năm. Hiện Mỹ là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam sau Nhật Bản.


"Chúng tôi nhận thấy dấu hiệu phục hồi của thị trường này trong tháng 5, khi giá cá tra xuất khẩu bình quân có xu hướng tăng và lạm phát của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt", nhóm phân tích của VNDirect cho biết. Tháng qua, CPI Mỹ là 4,9%, mức tăng thấp nhất trong hai năm qua và thấp hơn kỳ vọng của thị trường.

Thị trường EU cũng có sức tiêu thụ ổn định. Trong quý I, kim ngạch xuất khẩu sang đây chỉ giảm nhẹ 4% do người châu Âu chuộng cá thịt trắng của Việt Nam với mức giá hợp lý trong bối cảnh lạm phát cao phải thắt chặt chi tiêu.

Hầu hết thị trường trong EU đều tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam, trong đó nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng hai con số́: Romania (36%), Thụy Điển (53%), Đan Mạch (34%), Bulgaria (49%). Vài thị trường nhỏ hơn còn ghi nhận mức tăng trưởng 3 con số như: Đức (100%), Litva (429%), Phần Lan (436%).

Theo Agromonitor, giá trung bình cá tra xuất khẩu sang EU vào quý I tăng 9,5% so với cùng kỳ. Do vậy, các chuyên gia kỳ vọng nhu cầu với cá tra của Việt Nam tại EU sẽ ổn định trong nửa cuối năm do lạm phát tại EU vẫn ở mức cao.

Với Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang đây chưa cao như kỳ vọng, với 4 tháng đầu đạt 364 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ. Thị phần của Việt Nam cũng giảm đáng kể. Trong đó, tôm chịu sự cạnh tranh lớn từ Ecuador và Ấn Độ, khi nước này tăng cường thu mua trong khi giảm đặt mua tôm Việt Nam.

Người dân Trung Quốc đang có tâm lý tiêu dùng thận trọng hơn trong nửa cuối năm 2023. Do nền tảng kinh tế vĩ mô của kinh tế Trung Quốc khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, VNDirect dự̣ báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc nửa cuối năm không tăng trưởng mạnh bằng 6 tháng qua.

Tuy nhiên, thị trường này vẫn có hy vọng. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam cho biết sẽ cùng Cục Hải quan Vân Nam phối hợp đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc bổ sung các mặt hàng trái cây, thủy sản, đồng thời cho phép thủy sản sống của Việt Nam xuất qua cửa khẩu của tỉnh Vân Nam.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Vasep, thị trường Trung Quốc ít nhiều đang có những tín hiệu tích cực hơn, nhất là sau lễ hội mùa xuân, lĩnh vực du lịch đang thu hút nhiều hơn người dân Trung Quốc, cũng như khách du lịch quốc tế. Kỳ vọng từ mùa hè năm nay, thị trường sẽ sôi động dần trở lại.


SẢN PHẨM GỢI Ý